TGĐ Công ty TNHH TrungThành Foods Phí Ngọc Chung: Từ nước mắm, cà dầm...trở thành tỷ phú
Công ty TNHH Trung Thành Foods hiện là một trong những DN hàng đầu của Việt Nam về chế biến gia vị thực phẩm.
Các sản phẩm của TrungThành luôn lấy tiêu chuẩn chất lượng làm yếu tố quan trọng hàng đầu, đáp ứng triệt để phương châm "Tốt cho mọi nhà". Người chèo lái DN này là doanh nhân Phí Ngọc Chung, người xây dựng thương hiệu và gìn giữ hương vị Việt cho các sản phẩm từ cà dầm, tương ớt đến nước mắm...
Bước ngoặt của anh cán bộ “về một cục”
Ông Phí Ngọc Chung nhớ lại, bản thân ông vốn không có tham vọng gì nhiều mà an lòng với đồng lương của anh cán bộ Công ty Thực phẩm công nghệ (Bộ Nội Thương). Nhưng năm 1990, nằm trong diện "về một cục" theo chế độ 176 khiến gia đình gặp rất nhiều khó khăn, bước ngoặt này đã thôi thúc ông phải bươn chải để cải thiện cuộc sống gia đình.
“Nhiều người nói tôi liều khi vào những năm 90 của thế kỷ trước đã dám đứng ra thành lập công ty, bởi cái khó lúc bấy giờ là quy định chỉ có các tổ chức, DN mới được phép sản xuất, đóng gói sản phẩm. Cái khó đầu tiên là thời gian xin phép thành lập một DN kéo dài, mất tới 3 tháng để xin 30 chữ ký của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp”.
TGĐ Công ty TNHH TrungThành Foods Phí Ngọc Chung
Mãi đến ngày 1/8/1995, Công ty TrungThành được thành lập với sản phẩm đầu tiên là nước mắm đóng chai. Những ngày đầu chuẩn bị cho việc tổ chức sản xuất riêng, bản thân doanh nhân này tự tìm về các làng dọc bờ biển để học hỏi kỹ thuật làm nước mắm. Đến khi có sản phẩm, lại tự đi giao hàng. Đi nhiều, ghi nhận nhiều ý kiến của người tiêu dùng rồi sau này về điều hành DN thấy thuận lợi hơn hẳn.
“Giờ việc phân phối được tổ chức thành hệ thống, nhưng tôi tự hào rằng mình hiểu biết về hầu hết các địa bàn và hiểu cả về sở thích của những người tiêu dùng ở đó” - doanh nhân Phí Ngọc Chung tự hào.
Sau 1 năm thành lập, Trung Thành đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời đăng ký luôn cả những thương hiệu "vây" như Trung Thắng, Trung Thanh, Thành Trung... Thời đó, việc đăng ký thương hiệu của các DN vẫn chưa phổ biến, có người không biết cho rằng, Trung Thành "viển vông" vì chi ra một khoản tiền không nhỏ để mua lấy cái vô hình.
Nhưng đến thời điểm này, khi hội nhập quốc tế mới thấy hết được tầm quan trọng của việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Năm 2001, Trung Thành tiếp tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở hơn 40 nước trên thế giới. Hiện nay, Trung Thành đã có trên 100 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu.
Chọn lối đi riêng
Trước đây, khi đi bỏ mối nước mắm, ông Phí Ngọc Chung nhận thấy nước mắm được bán theo kiểu đong, tức là mua cả can về bán lẻ. Người tiêu dùng đi chợ mua nước mắm phải mang theo chai, lọ. Từ đó ông nghĩ, tại sao lại không đóng sẵn vào chai, vừa tiện lợi lại đảm bảo vệ sinh và đó là quyết định chuyển hướng đúng đắn.
Công nhân hoàn thiện sản phẩm trong dây chuyền sản xuất của TrungThành Foods
Ảnh: Khắc Kiên
"Sau này, khi được nghe giảng về giá trị gia tăng trên sản phẩm, tôi mới hiểu, việc đóng chai, dán nhãn cho sản phẩm đã làm gia tăng giá trị sản phẩm, đồng thời làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt từ sử dụng nước mắm "đong" sang nước mắm đóng chai…" - ông tâm sự.
Phát triển được sản phẩm ở trong nước rồi, ông chủ của TrungThành lại trăn trở làm sao thâm nhập được thị trường quốc tế. Khi bạn bè nước ngoài về Việt Nam nếm thử nước mắm, cà dầm Trung Thành rồi khen ngon , vị doanh nhân này đã chớp thời cơ và đề xuất đưa sản phẩm của Trung Thành sang các nước. Người bạn đồng ý và rồi những chai nước mắm đầu tiên được sang Nga đạt kết quả ngoài mong đợi.
"Ngay sau đó, tôi quyết định xuất một mẻ lớn. Ngày xuất hàng, hạnh phúc đến chảy nước mắt vì hiểu ra một điều, thị trường vô cùng rộng lớn, điều quan trọng là cách thức thâm nhập thị trường" - doanh nhân Phí Ngọc Chung bồi hồi nhớ lại.
Tuy nhiên không phải khi nào hành trình ra biển lớn của Trung Thành cũng suôn sẻ, có những lúc DN này phải hủy cả chuyến hàng trị giá hơn 50.000 USD do vướng hàng rào kiểm định ATTP của nước sở tại. Rút kinh nghiệm, mỗi lần xuất hàng, công ty lại gửi mẫu ra nước ngoài để kiểm định ATVSTP và chỉ tiêu kỹ thuật có trong sản phẩm mà nước bạn yêu cầu.
Mỗi lần như vậy, TrungThành tốn khoảng hơn 3.000 USD, nhưng chính sự nghiêm khắc với từng khâu sản xuất mà sau này, sản phẩm của TrungThành được miễn kiểm nghiệm ở nhiều quốc gia khác.
Doanh nhân Phí Ngọc Chung tâm sự: “Thâm nhập vào thị trường quốc tế vẫn luôn là cơn đau đầu dễ chịu với không chỉ TrungThành mà còn với nhiều DN khác để từ đó có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường”.
Ngày nay, TrungThành khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong nước và thế giới, đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho gần 600 lao động với mức thu nhập khá.
Khắc Kiên - Báo Kinh tế và Đô thị số ra 06/04/2019