Giỏ hàng

Câu chuyện TrungThành

Ông Phí Ngọc Chung chia sẻ: "Bạc mặt với phố phường cực nhọc nên tôi nghĩ nhất định mình phải làm giàu nhưng tôi cũng hiểu rằng mình muốn làm giàu, trăm ngàn người khác cũng nghĩ vậy, cho nên tôi cần phải lựa chọn được con đường riêng cho bản thân.


TỪ ANH CÁN BỘ VỀ "MỘT CỤC"...


Cơ duyên nào đưa ông đến với kinh doanh?

Tôi vốn không có tham vọng gì nhiều mà an lòng với đồng lương của anh cán bộ Công ty Thực phẩm công nghệ thuộc Bộ Nội Thương, nhưng năm 1990, tôi nằm trong diện về "một cục" khi có chế độ 176. Nhớ lại lúc đó, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, chính điều đó đã thúc ép tôi cần phải kiếm tiền để cải thiện cuộc sống cho bản thân và gia đinh. Tôi đã tự nghĩ ra việc làm cho mình, ban đầu tôi vấp phải muôn ngàn khó khăn vì chưa va vấp bao giờ nhưng lâu dần rồi tôi cũng thích nghi được mà chẳng cần qua trường lớp đào tạo về kinh doanh, cái "trường đời" đã làm tôi lớn dần. Sau này, tôi càng thấm thía rằng cơ hội là không của riêng ai, điều quan trọng là chúng ta có quyết tâm và có khả năng nắm lấy cơ hội đó hay không?


Từ tay trắng, ông đã xây dựng được một cơ nghiệp mà nhiều người mơ ước, vậy đâu là bí quyết?

Cuộc đời tôi đã từng có những phút giây bĩ cực. Hồi mới về "một cục" tôi sắm chiếc thùng kem dạo, cứ 3h sáng là lên đường. Bạc mặt với phố phường, cực nhọc nhiều và tôi đã quyết tâm nhất định mình phải làm giàu. Nhưng làm thế nào để làm giàu đây, vậy rồi cơ hội cũng đến với tôi.

Mất một năm bán kem dạo, sẵn biết những đầu mối cung cấp muối, nước mắm, tôi chở từng can nước mắm đi bỏ mối cho các chợ ở nội thành để mưu sinh. Dần dần, tôi nhận thấy rằng nếu mình cũng làm  như mọi người thì rốt cuộc không thể khá hơn, nên tôi chọn con đường riêng, với tôi "con đường riêng" nó là bí quyết giúp tôi thành công.


Và con đường riêng của ông đó là?

Khi đi bỏ mối nước mắm, tôi nhận thấy rằng, nước mắm được bán theo kiểu đong tức là mua cả can về bán lẻ, người tiêu dùng đi chợ mua nước mắm cần phải mang theo chai lọ vừa bất tiện lại không hợp vệ sinh. Từ đó, tôi nghĩ tại sao lại không đóng sẵn vào chai mà bán, vừa tiện lợi lại đảm bảo vệ sinh. Thế là tôi quyết định chuyển hướng.

Nói thật, hồi đầu tôi làm thì cũng là thứ nước mắm ấy thôi nhưng đóng chai dán nhãn vào thấy sản phẩm của mình "đẳng cấp" hơn hẳn. Sau này,  khi được nghe giảng về giá trị gia tăng trên sản phẩm, tôi mới hiểu rằng, việc tôi đóng chai, dán nhãn cho sản phẩm đã làm gia tăng giá trị sản phẩm của tôi.


Thói quen tiêu dùng của người Việt sử dụng nước mắm "đong" không phải có thể thay đổi được ngay. Ông đã làm gì để thay đổi thói quan sử dụng tiêu dùng?

Ban đầu thị trường không chấp nhận vì giá nước mắm đóng chai vẫn đắt hơn giá nước mắm bán đong nên phải mất thời gian khá lâu để chai nước mắm làm quen với thị trường. Giai đoạn đầu, hàng không bán được, tôi coi như phá sản đến nơi, nhưng tôi vẫn kiên định đi theo hướng mình đã chọn và cuối cùng niềm tin ấy đã được bù đắp khi thời gian sau sản phẩm TrungThành đã bắt đầu bán được, thậm chí là bán chạy. Từ đó tôi rút ra một số bài học sau:

Thứ nhất: Trong kinh doanh, nhiều lúc phải chấp nhận những thất bại tạm thời.

Thứ hai: Nếu chai nước mắm thành công thì những sản phẩm thực phẩm khác cũng sẽ có cơ hội.

Thứ ba: Nếu chai nước mắm đem lại lợi nhuận nhiều hơn so với bán đong cũng có nghĩa là phải đầu tư nhiều hơn vào cái chai hay nói đúng hơn là đầu tư cho mẫu mã sản phẩm.


Nhiều người bảo ông "liều" khi ở những năm đầu 90 của thế kỷ trước đã dám đứng ra thành lập công ty?

Quả thật cái khó là lúc bấy giờ chỉ có các tổ chức, doanh nghiệp mới được phép sản xuất, đóng gói sản phẩm. Vì thế tôi phải thành lập một công ty để có thể được phép đóng gói sản phẩm. Tuy nhiên, xin phép thành lập một doanh nghiệp vào thời điểm đó đâu phải dễ, tôi phải mất tới 3 tháng để xin 30 chữ ký của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp. Đến ngày 01/08/1995, Công ty TrungThành được thành lập. Sản phẩm đầu tiên của TrungThành là nước mắm đóng chai. 

Sau đó, TrungThành không chỉ đóng chai nước mắm mà còn nhiều mặt hàng thực phẩm khác nữa, điều đó được bắt nguồn là một người yêu những hương vị truyền thống của  người Việt, vì vậy từ thành công ban đầu của sản phẩm nước mắm, tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, công nghệ sản xuất và quyết định cho ra đời những sản phẩm nông sản Việt tiện dụng, đảm bảo hương vị truyền thống phục vụ người tiêu dùng. Từ Cà dầm chua cay đến Dưa bao tử, Tương ớt vàng, Xì dầu dần dần được ra đời và chiếm lĩnh sự tin tưởng tiêu dùng của đông đảo người tiêu dùng lúc bấy giờ.


...ĐẾN THƯƠNG HIỆU TRUNGTHÀNH


Không chỉ tung hoành tại thị trường Miền Bắc, TrungThành nhanh chóng mở rộng thị trường ra khắp cả nước, điều gì tạo nên thành công đó?

Những ngày đầu chuẩn bị cho việc tổ chức sản xuất riêng, tôi tự tìm về các làng dọc biển để học hỏi kỹ thuật làm nước mắm. Đến khi có hàng, tôi tự mình đi giao hàng. Hồi đầu, cứ một xe máy, một balo lên đường, tính ra tôi đã đi xe máy khắp Miền Bắc. Hồi đưa hàng lên Tây Bắc thử nghiệm, tôi từng kẹt ở đèo Pha Đin hai ngày. Tôi là lính mà, vất vả tí cũng chịu được, miễn sao đạt kết quả. "Không quăng quật vào đời sao hiểu được thị trường". Đi nhiều, ghi nhận nhiều ý kiến của người tiêu dùng rồi sau này về điều hành doanh nghiệp tôi thấy thuận lợi hơn hẳn. Giờ việc phân phối được tổ chức thành hệ thống nhưng tôi tự hào rằng mình hiểu biết về hầu hết các địa bàn và hiểu cả về sở thích của những người tiêu dùng ở đó.


Cái vất vả của nhiều doanh nghiệp Việt Nam là việc đưa sản phẩm của mình ra nước ngoài, TrungThành đã giải quyết vấn đề này như thế nào?

Bạn bè tôi từ nước ngoài về nếm thử nước mắm, cà dầm rồi khen ngon và than thở là không thể mua ở bên đó. Tôi nói "sao ông không tìm cách đưa hàng của tôi sang bên đó" và bạn tôi đã làm thật và để rồi những chai nước mắm đầu tiên đã được mang sang Nga đã đạt được kết quả ngoài mong đợi. Sau đó, tôi quyết định xuất một mẻ lớn. Ngày xuất hàng, hạnh phúc đến chảy cả nước mắt vì hiểu ra một điều là thị trường vô cùng rộng lớn, điều quan trọng là cách thức thâm nhập thị trường.

Có những lúc, công ty phải hủy cả chuyến hàng trị giá hơn 50.000 USD khi đã sang được nước bạn. Rút kinh nghiệm, mỗi lần xuất hàng, chúng tôi lại gửi mẫu ra nước ngoài để kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm và chỉ tiêu kỹ thuật có trong sản phẩm mà nước bạn yêu cầu. Mỗi lần như vậy, TrungThành tốn khoảng hơn 3.000 USD. Chính sự "nghiêm khắc" với bản thân sau này, sản phẩm của TrungThành được miễn kiểm nghiệm ở nhiều quốc gia khác.


Người ta còn bảo TrungThành viển vông vì từng chi ra một khoản tiền khong nhỏ để đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho thương hiệu?

Sau khi thành lập được 1 năm, TrungThành xin đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời đăng ký luôn cả những thương hiệu "vây" đó là những thương hiệu tương tự TrungThành như "Trung Thắng, Trung Thanh, Thành Trung..."

Thời đó, việc đăng ký thương hiệu của các doanh nghiệp vẫn chưa nhiều, có người không biết cho rằng TrungThành "viển vông" vì chi ra một khoản tiền không nhỏ để mua lấy cái vô hình. Người thực tế hơn thì đánh giá TrungThành "chịu chơi". Nhưng đến thời điểm này, khi hội nhập quốc tế mới thấy hết được tầm quan trọng của việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Năm 2001, TrungThành tiếp tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở hơn 40 nước trên thế giới. Hiện nay, TrungThành đã có trên 100 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu. Trong câu chuyện bảo vệ thương hiệu, TrungThành là một trong những doanh nghiệp duy nhất có nhiều nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ ở trong và ngoài nước.


Sau chặng đường 18 năm có mặt trên thị trường, điều gì khiến ông cảm thấy tâm đắc nhất?

Tỉnh táo để nhận ra đâu là cơ hội dành cho mình nhưng quan trọng là làm sao để hiện thực hóa nó càng quan trọng hơn cả. Khi tôi tự làm, tôi tự quyết được mọi việc nhưng bây giờ đã là doanh nghiệp có tới 500 con người với doanh thu hàng chục tỷ đồng, tôi hiểu rằng thành bại là do anh em, tức là yếu tố con người. Trong môi trường đầy cạnh tranh như bây giờ, yếu tố con người lại càng quan trọng hơn cả. Khi xưa tôi nghèo khổ phải đi bán kem dạo, tôi cố gắng đứng lên vì tôi có động lực để thoát nghèo. Tôi hiểu rằng anh em cũng có những động lực, những khát vọng riêng và mình phải đáp ứng được điều đó. Với tôi, dù khó khăn đến mấy, việc đảm bảo chế độ chính sách, phúc lợi cho anh em luôn được đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, tôi còn tổ chức nhiều dịp sinh hoạt tập thể như "Lễ hội TrungThành", lễ tổng kết năm, du lịch một năm 2 lần... là để xây dựng văn hóa doanh nghiệp và để cán bộ công nhân viên hiểu rằng mình được tôn trọng và là một phần không thể thiếu của doanh nghiệp. Tôi chỉ làm được một phần nhỏ bé, chính họ mới là những người làm nên TrungThành hôm nay.

Cho đến nay, TrungThành đã 7 lần đạt danh hiệu "Hàng Việt Nam chất lượng cao" do người tiêu dùng bình chọn, 3 lần đạt chứng nhận "Thương hiệu mạnh" và chứng nhận "Thương hiệu nổi tiếng Việt Nam". Bí quyết thành công của TrungThành nằm gói gọn trong bốn chữ " Tốt cho mọi nhà" 



banner ảnh thống kê

NHỮNG CON SỐ ẤN TƯỢNG

29

Năm kinh nghiệm

60

Hệ thống phân phối phủ khắp
60/63 tỉnh thành

50

Xuất khẩu đi hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ
trên thể giới

300.000.000

Phục vụ hơn 300 triệu bữa ăn mỗi
năm